Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Qua 3 tuổi, bé sẽ bắt đầu đi học mầm non. Môi trường thay đổi khá nhiều có thể dẫn đến sự thay đổi lớn về sinh hoạt và dinh dưỡng của bé. Vậy làm thế nào để mẹ vẫn có thể bổ sung đầy đủ dinh dưỡng lại phù hợp với giờ giấc sinh hoạt mới.
1. Bước đầu hình thành văn hóa ăn uống
Ở tuổi này trẻ đã bắt đầu có nhận thức về môi trường xung quanh. Trẻ hình thành những thói quen, biết quan sát các bạn nhỏ khác, có sở thích cá nhân. Ở giai đoạn này trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi văn hóa ăn uống trong gia đình.
Vì vậy, đây là giai đoạn quan trọng để trẻ nhận thức, nhận biết thời điểm, nơi ăn và các loại thức ăn.
2. Nhu cầu dinh dưỡng
Trẻ ở độ tuổi mầm non rất cần 1 chế độ dinh dưỡng hợp lý. Điều đó vừa giúp cho trẻ không bị dư thừa béo phì và cũng không bị thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng.
Bữa ăn của trẻ cần phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Nhu cầu năng lượng của trẻ trung bình 1.470 kcal/ ngày. Tương đương với mỗi ngày trẻ sẽ ăn khoảng 3-4 chén cơm. Trong đó 100-120g thức ăn giàu đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu hũ…), 100-120g rau củ và khoảng 20ml dầu ăn để chế biến thức ăn và uống ít nhất khoảng 500ml sữa.
3. Bữa ăn trong ngày
Trẻ đã có thể có các bữa ăn gần giống với người lớn, 3 bữa chính và 1 -2 bữa phụ. Trong đó bữa sáng là cực kỳ quan trọng, là nền tảng cung cấp dinh dưỡng cho trẻ. Giá trị của bữa sáng chiếm 30-40% tổng năng lượng trong ngày.
Nếu bỏ qua bữa sáng sẽ dẫn đến việc ảnh hưởng đến cơ thể và dinh dưỡng của trẻ suốt buổi sáng. Ngoài những bữa ăn chính nên cho trẻ uống sữa, vì sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng, tiện lợi và dễ sử dụng.
4. Một số lưu ý
- Trẻ đã nhai được thức ăn cứng nên sẽ dễ chán loại thức ăn mềm trước đây. Việc trẻ bắt đầu có những sở thích riêng về đồ ăn có thể gây thiếu hụt chất. Vì vậy cần để ý bổ sung vào khẩu phần ăn của trẻ 1 cách đa dạng và khéo léo để tăng sự thích thú.
- Trẻ dễ có khuynh hướng ăn đồ ngọt nhiều, thiếu rau củ và hoa quả. Vì vậy khuyến khích trẻ ăn rau bằng cách chế biến linh hoạt, màu sắc kích thích trẻ.
- Tập cho trẻ thói quen dùng bàn ăn, tạo không khí vui tươi, đầm ấm cùng gia đình. Không để trẻ ăn uống trong khi xem phim, nghịch đồ chơi làm mất tập trung và hình thành thói quen xấu.
- Tập thói quen rửa tay trước khi ăn và vệ sinh miệng sau khi ăn.
- Việc cân đối chế độ ăn cho trẻ là cực kỳ quan trọng. Bởi sẽ có nhiều trẻ ăn được, dẫn đến thừa chất béo phì. Ngoài ra, khuyến khích trẻ vận động như tập thể dục, bơi lội, vui chơi ngoài trời giúp trẻ phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần.